Yếu tố nào có thể kìm hãm tăng trưởng tín dụng?

Yếu tố nào có thể kìm hãm tăng trưởng tín dụng?

Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15% trong năm nay cũng có thể đối mặt với một số thách thức. Liệu đó là những yếu tố nào?

Cơ sở tăng trưởng tín dụng

Từ mức tăng trưởng tín dụng 13.71% đạt được trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024 là 15%. Đáng lưu ý, cơ quan này đã phân bổ hết hạn mức tăng trưởng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) ngay từ đầu năm 2024, đưa đến kỳ vọng hoạt động tín dụng trong năm nay sẽ tăng trưởng mạnh mẽ và tích cực hơn ngay từ những tháng đầu năm, thay vì trì trệ đầu năm và rồi chỉ thật sự tăng tốc trong những tháng cuối năm như năm 2023 vừa qua.

Kỳ vọng trên không phải là thiếu cơ sở, khi nhìn vào bối cảnh nền kinh tế đang có những tín hiệu khởi sắc hơn. Dù tăng trưởng GDP trong năm 2023 chỉ đạt 5%, Chính phủ vẫn mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 6-6.5%. Các điều kiện kinh doanh trong nền kinh tế cũng đang cho thấy sự cải thiện đáng kể.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 ước tính tăng 18.3% so với cùng kỳ năm trước. Tương tự, Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) của S&P Global công bố cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng trở lại vào đầu năm 2024 khi những dấu hiệu ban đầu cho thấy nhu cầu cải thiện giúp số lượng đơn đặt hàng mới và sản lượng tăng trở lại. Cụ thể, chỉ số này đã quay trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong tháng đầu năm, khi tăng lên mức 50.3 điểm so với 48.9 điểm của tháng 12.

Trước tình hình này, nhu cầu vay vốn trong năm nay được dự báo sẽ tăng trở lại, khi các doanh nghiệp tin tưởng hơn vào triển vọng nền kinh tế và mạnh dạn vay vốn đầu tư và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó, thu nhập của người lao động cũng sẽ được cải thiện kéo theo nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tăng trở lại, giúp tăng trưởng tín dụng ở nhóm khách hàng cá nhân cũng khả quan hơn.

Cũng cần nhắc lại rằng trước đó vào những ngày cuối năm 2023, NHNN cũng đã có văn bản số 9668/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Theo đó, các nhà băng chủ động cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, phân khúc khách hàng, đặc biệt là nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của người dân.

Lãi suất cho vay đã giảm về mức phù hợp hơn khi chi phí vốn của các nhà băng đã và đang tiếp tục đi xuống, cũng kích thích khách hàng đẩy mạnh vay vốn nhiều hơn. Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng triển khai các gói cho vay lãi suất ưu đãi ở mức rất thấp nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng, nhất là khi các ngân hàng cũng rơi vào tình trạng thừa vốn trong suốt thời gian qua, nhờ huy động trong năm 2023 tăng trưởng cao hơn, tăng vốn điều lệ và phát hành trái phiếu thành công với giá trị rất lớn.

Báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, các ngân hàng đã phát hành lượng trái phiếu hơn 176,000 tỷ đồng, chiếm 56.5% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được phát hành trong năm 2023, là nhóm ngành phát hành nhiều nhất. Đặc biệt, lượng lớn phát hành chủ yếu tập trung trong quý 4, nhất là tháng cuối cùng trong năm.

Yếu tố kìm hãm?

Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ, mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm nay cũng có thể đối mặt với một số thách thức. Rõ ràng với tình trạng thừa vốn, các nhà băng phải tích cực cho vay nhanh hơn để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn, nhưng trước tình hình rủi ro nợ xấu vẫn cao và đang trong xu hướng đi lên, các ngân hàng cũng sẽ phải tập trung kiểm soát nợ xấu và thu hồi nợ, phần nào ảnh hưởng đến chính sách phát triển cho vay cũng như tốc độ tăng trưởng dư nợ mới của các nhà băng.

Thực tế cũng cho thấy trong mỗi giai đoạn nguy cơ nợ xấu tăng lên, mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng cũng giảm xuống, đồng nghĩa các ngân hàng sẽ thận trọng hơn khi cho vay ra. Ngoài ra, nợ xấu tăng cũng khiến các tỷ lệ an toàn của nhà băng bị ảnh hưởng, làm hạn chế mục tiêu phát triển tín dụng. Đơn cử như ở tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, các khoản vay ngắn hạn nhưng nếu bị chuyển thành nợ xấu sẽ tính vào dư nợ trung dài hạn, kéo tỷ lệ này đi xuống. Việc tỷ lệ này tăng vọt từ quý 2 năm trước cũng vì ảnh hưởng bởi xu hướng nợ xấu tăng vọt.

Ngoài ra, theo tính toán của các chuyên gia phân tích, với mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6-6.5%, tăng trưởng tín dụng 15%, nếu hoàn thành hết 2 chi tiêu này, tỷ lệ dư nợ/ GDP cuối năm 2024 có thể tiếp tục leo lên mức 144%. Đây là mức khá cao và có thể dẫn đến tiềm ẩn rủi ro vĩ mô, khi trước đây Ngân hàng Thế giới (WB) từng cảnh báo tình trạng dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam ở trong các nước cao nhất thế giới.

Một yếu tố quan trọng khác cũng có thể ảnh hưởng lên tăng trưởng tín dụng là những chính sách kiểm soát chặt chẽ hơn về dòng vốn tín dụng của các ngân hàng. Cụ thể, Chính phủ đã có chỉ đạo nghiêm cấm việc cấp tín dụng không đúng quy định pháp luật, không đúng đối tượng, việc cấp tín dụng cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp sân sau… với lãi suất ưu đãi trong khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu chính đáng, hợp pháp lại gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng

Trong những năm qua, một lượng vốn tín dụng không nhỏ đã được rót vào các doanh nghiệp sân sau của các cổ đông ngân hàng. Những góc khuất về số dư nợ tín dụng tại ngân hàng SCB được phanh phui gần đây đã phần nào cho thấy thực trạng này. Theo đó, các doanh nghiệp sân sau này cũng là một trong những khu vực hấp thụ lượng vốn tín dụng đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Do đó, giờ đây nếu hoạt động cho vay doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái bị kiểm soát chặt chẽ hơn, tăng trưởng tín dụng của không ít tổ chức có thể sẽ chậm lại.

Cuối cùng, với lượng TPDN đáo hạn lớn trong năm 2024, ước tính hơn 277,000 tỷ đồng, cộng thêm xu hướng mua lại trước hạn của nhiều doanh nghiệp, số dư tín dụng của các ngân hàng cũng có thể bị ảnh hưởng, khi những năm qua các ngân hàng là những nhà đầu tư lớn trên thị trường TPDN. Về cơ bản, TPDN được tính vào số dư nợ tín dụng của các ngân hàng.

Các doanh nghiệp sân sau cũng là một trong những khu vực hấp thụ lượng vốn tín dụng đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng. Do đó, giờ đây nếu hoạt động cho vay doanh nghiệp sân sau, doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái bị kiểm soát chặt chẽ hơn, tăng trưởng tín dụng của không ít tổ chức có thể sẽ chậm lại.

Phan Thụy

FILI

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *