Việt Nam từ lâu đã được nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới chú ý nhờ lợi thế về tình hình chính trị ổn định, chi phí nhân công thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Những năm qua, Việt Nam chứng kiến nhiều đợt tăng vốn đầu tư từ các “đại bàng”, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.
Những năm gần đây, nhờ vị trí phù hợp với xu hướng “Trung Quốc +1”, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài chọn Việt Nam là điểm đến, đặc biệt là các “ông lớn” công nghiệp.
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2023, Việt Nam có tổng cộng 39,140 dự án có nguồn vốn FDI với tổng mức đầu tư hơn 468.9 tỷ USD, tăng gần 7% so với thời điểm 20/12/2022.
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài
|
Nguồn: Báo cáo của Cushman & Wakefield
|
Apple và các đối tác xác định đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam
Một trong những đại gia công nghệ thế giới là Apple đã đề nghị đối tác gia công lớn nhất – Foxconn – mở rộng dây chuyền sản xuất MacBook tại Việt Nam từ khoảng tháng 5/2023. Đồng thời, Apple cũng đang lên kế hoạch sản xuất Mac Pro tại Việt Nam.
Trang TechCrunch dẫn báo cáo của JP Morgan cho biết, Apple lên kế hoạch đến năm 2025, Việt Nam sẽ đóng góp 20% tổng sản lượng iPad và Apple Watch, 5% lượng MacBook và 65% AirPods. Apple hiện có 25 đối tác đặt nhà máy tại Việt Nam, chiếm 13.9% trong tổng số 190 nhà cung ứng, tính đến quý 4/2021.
3 đối tác lớn của Apple là Foxconn, Luxshare và GoerTek hồi năm 2022 cũng cho biết sẽ liên tục mở rộng cơ sở sản xuất điện tử tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu của Apple cũng như tránh sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Trong đó, Foxconn đã hiện diện tại Việt Nam từ năm 2007, chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử tiêu dùng và truyền thông. Tính đến nay, Foxconn đã đầu tư 3.2 tỷ USD vào Việt Nam.
Cuối tháng 6/2023, Foxconn được tỉnh Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư 2 dự án mới, tổng vốn 250 triệu USD, như một lời cam kết, tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam để phát triển lĩnh vực công nghệ cao.
Ông Châu Nghĩa Văn – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Foxconn tại Việt Nam cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chiến lược 3 + 3 tại thị trường Việt Nam, chú trọng vào 3 ngành công nghiệp mới nổi là xe điện, y tế số, robot; với ứng dụng của 3 lĩnh vực công nghệ mới là trí tuệ nhân tạo, chất bán dẫn và công nghệ truyền thông”.
Nhà máy của Foxconn tại KCN Quang Châu (Bắc Giang)
|
Còn Goertek chính thức đầu tư vào Bắc Ninh vào năm 2013 bằng việc thành lập Công ty TNHH Goertek Vina tại KCN Quế Võ. Từ đó đến nay, Goertek đã đầu tư 3 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 900 triệu USD.
Tại cuộc gặp mặt với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, ông Jiang Bin – Chủ tịch Tập đoàn Goertek cho biết, tổng mức đầu tư của Goertek tại Bắc Ninh đã đạt 20% tổng doanh thu của toàn Tập đoàn. Hiện nay, Tập đoàn đang xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn 5 – 10 năm tới, dự kiến mức đầu tư tại Bắc Ninh sẽ cao gấp 3 – 4 lần mức đầu tư hiện tại.
Một nhà máy của Goertek tại Bắc Ninh
|
Không chỉ Bắc Ninh, tháng 1/2022, Goertek trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất tại tỉnh Nghệ An, sau khi nâng tổng mức đầu tư cho dự án nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện tại KCN WHA Industrial Zone 1 – Nghệ An lên 500 triệu USD.
Luxshare hiện đã có 6 nhà máy tại Việt Nam, nằm tại Bắc Giang và Nghệ An. Cuối năm 2023 vừa qua, Công ty này đã nâng tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam lên 504 triệu USD thông qua việc đầu tư 330 triệu USD để mở rộng cơ sở sản xuất tại Bắc Giang.
Luxshare đang là đơn vị sản xuất tai nghe không dây AirPods Pro và kính thực tế hỗn hợp Apple Vision Pro cho Apple. Bên cạnh đó, Công ty còn có thể sản xuất các thiết bị thông minh, thiết bị số hóa tín hiệu giọng nói, thiết bị truyền thông, bộ đàm, tag định vị thông minh và smartwatch…
Nhà máy của Luxshare tại Bắc Giang
|
Doanh nghiệp công nghệ xứ “kim chi” đứng đầu về đầu tư FDI tại Việt Nam
Samsung cũng không kém cạnh khi chính thức vào Việt Nam từ năm 2008, qua việc xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động tại tỉnh Bắc Ninh.
Sau đó, thông qua các hoạt động đầu tư liên tục tại Thái Nguyên, Hà Nội, TP.HCM, hiện Samsung đang vận hành 6 nhà máy, 1 pháp nhân bán hàng, 1 trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Được biết, trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam là trung tâm lớn nhất tại Đông Nam Á.
Lũy kế đầu tư tính đến cuối năm 2022 đạt 20 tỷ USD, Samsung đang là “đại bàng” nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Một nhà máy Samsung tại khu công nghệ cao TP.HCM – Ảnh: TV
|
Một ông lớn xứ Hàn khác là Tập đoàn LG Innotek cũng đã đầu tư vào Việt Nam 10 năm qua. Điểm đến nguồn vốn của LG là vùng đất cảng với nhà máy LG Innotek Hải Phòng, tại KCN Tràng Duệ.
Nhà máy chính thức hoạt động vào tháng 9/2017 với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, chuyên sản xuất sản phẩm mô-đun camera, mang lại việc làm cho khoảng 3,500 lao động.
Tháng 6/2023, đại diện Tập đoàn LG tại Việt Nam là Công ty TNHH LG Innotek Việt Nam Hải Phòng đã được UBND thành phố trao giấy chứng nhận đầu tư dự án mở rộng nhà máy LG Innotek Hải Phòng với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, dự kiến tạo thêm 2,600 việc làm và nộp ngân sách 100 tỷ đồng/năm. Qua đó, tổng mức đầu tư của Tập đoàn LG Innotek tại Hải Phòng nâng lên gần 10 tỷ USD.
Nhà máy LG Innotek Hải Phòng tại KCN Tràng Duệ
|
Doanh nghiệp đặt nền móng cho ngành công nghiệp bán dẫn tại Hàn Quốc – Tập đoàn Amkor – chính thức khánh thành nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại KCN Yên Phong II-C vào ngày 11/10/2023. Được biết, đây là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor.
Nhà máy có diện tích 23ha, tổng vốn đầu tư 1.6 tỷ USD, được chia làm 3 giai đoạn với giai đoạn 1 khoảng 520 triệu USD, dự kiến đến năm 2035 sẽ tạo việc làm cho 10,000 lao động. Trong giai đoạn này, nhà máy sẽ tập trung thử nghiệm, cung cấp các giải pháp lắp ráp và kiểm tra hệ thống tiên tiến trong gói (SiP) cho các công ty sản xuất điện tử và bán dẫn.
Tập đoàn Amkor thành lập từ năm 1968, là doanh nghiệp đầu tiên tạo ra sản phẩm bán dẫn tại Hàn Quốc, dẫn đầu trong ngành công nghiệp OSAT – đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn. Tập đoàn đang cung cấp hơn 3,000 giải pháp công nghệ cao cho các ứng dụng khác nhau, như ô tô, viễn thông, giải trí, máy tính và các sản phẩm công nghiệp.
Nhà máy Amkor Technology Việt Nam tại KCN Yên Phong II-C
|
Cũng thuộc lĩnh vực chất bán dẫn, Tập đoàn Nvidia (Mỹ), 1 trong 3 công ty sản xuất chip có doanh thu lớn nhất thế giới năm 2023, cũng đã để mắt đến Việt Nam.
Trong cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 12/2023, Chủ tịch Nvidia – ông Jensen Huang – đánh giá cao tiềm năng, cơ hội lớn và chiến lược, tầm nhìn, cách tiếp cận rất rõ ràng, trọng tâm đầu tư hạ tầng của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là nguồn nhân lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ông Huang cho biết, Nvidia đã đầu tư khoảng 250 triệu USD vào Việt Nam, xác định Việt Nam là thị trường quan trọng.
Dòng vốn FDI hướng đến mục tiêu xanh
Không thuộc lĩnh vực công nghệ như các tập đoàn kể trên, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) để lại dấu ấn trong việc đầu tư vào Việt Nam khi hướng đến mục tiêu xanh thông qua đầu tư xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của mình tại Bình Dương.
Nhà máy của Lego có quy mô 44ha, triển khai vào nửa cuối năm 2023 tại KCN VSIP 3 và dự kiến hoạt động trong nửa cuối năm 2024.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1 tỷ USD, phân kỳ đầu tư trong 15 năm, là dự án FDI có số vốn lớn nhất từ Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam. Đây sẽ là nhà máy thứ 6 trên thế giới và là nhà máy thứ 2 ở châu Á của Lego. Nhà máy tại Việt Nam sẽ là nhà máy phụ trách công tác làm khuôn và đóng gói, phục vụ cho thị trường châu Á của Lego, bên cạnh nhà máy tại Giang Tô, Trung Quốc.
Điểm nhấn của nhà máy này là việc sử dụng năng lượng pin tại chỗ từ pin mặt trời do Lego tự đầu tư và năng lượng xanh từ các dự án cung cấp năng lượng gần kề. Năng lượng tái tạo sẽ đáp ứng 100% yêu cầu vận hành của nhà máy, qua đó hạn chế được lượng carbon xả thải ra môi trường.
Mục tiêu của Lego là mang đến 4,000 cơ hội việc làm tại Việt Nam trong vòng 15 năm tới, công tác tuyển dụng nhân sự sẽ được bắt đầu thực hiện vào nửa cuối năm 2023, đồng bộ với quá trình triển khai xây dựng nhà máy.
Tiến độ nhà máy Lego ở Bình Dương vào tháng 09/2023 – Ảnh: Lego
|
Hà Lễ
FILI