Theo chuyên gia, với đà bùng nổ của chứng khoán Mỹ, khả năng cao VN-Index sẽ vượt 1.300 trong ngắn hạn.
Tâm lý tích cực quay trở lại dẫn dắt VN-Index liên tục bứt phá để chinh phục vùng đỉnh cũ. Từ vùng đáy xác lập hồi tháng 4, VN-Index đã tăng một mạch ba tuần liên tiếp với 111 điểm tương đương hơn 8% để lấy lấy lại những gì đã mất sau tuần giảm sốc hơn 100 điểm.
Nhịp phục hồi trên diện rộng thời gian qua dường như đã thuyết phục được dòng tiền thận trọng hoặc đến muộn quay trở lại, kéo thanh khoản bình quân 2 tuần vừa qua lên gần 23.000 tỷ đồng, cao hơn 27% so với tuần tạo đáy trước đó. Riêng trong phiên 20/5, thanh khoản khớp lệnh trên HOSE tăng vọt lên mức tỷ USD đạt trên 23.300 tỷ đồng – mức cao nhất trong hơn một tháng qua.
Dòng tiền lớn rục rịch trở lại
Theo ông Ngô Minh Đức, Giám đốc CTCP Đầu tư LCTV, động lực lớn nhất dẫn dắt đà tăng của thị trường là sự ảnh hưởng và lan tỏa của các chỉ số chứng khoán trên thế giới và chính sách tiền tệ nhìn chung vẫn mở rộng của Ngân hàng nhà nước.
Đặc biệt, với sự can thiệp kịp thời của NHNN, tỷ giá 2 tuần qua đã chững lại đà tăng, lợi suất trái phiếu 10Y cũng giảm nhẹ. Điều này tạo tâm lý lạc quan hơn với nhiều nhà đầu tư trong nước. Tâm lý số đông càng tự tin hơn khi có nhiều cổ phiếu trên sàn ( như PVS, FPT, TCB, LPB, VCS…) cũng vượt qua mức giá đỉnh của vùng 1.292 điểm đầu tháng 4/2024.
Dựa trên góc nhìn kỹ thuật, hiện tại VN-Index đã tiệm cận khu vực đỉnh cũ ngày 2/4/2024. Nếu quan sát khối lượng giao dịch và mức độ lan tỏa giữa các phân lớp cổ phiếu và nhóm ngành trong tuần qua thì có thể thấy dòng tiền đã quay trở lại, tạo nên 3-4 phiên khối lượng giao dịch tăng liên tiếp với giá trị giao dịch khoảng 800-900 triệu cổ phiếu/phiên. Hiện tại trên thị trường có 2 dòng tiền lớn giúp thị trường sôi động:
Đầu tiên là dòng vốn của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước tìm kiếm cơ hội đầu tư khi mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm hiện tại ở mức thấp, mặc dù có 2 đợt tăng lãi suất trong tháng 5 của các NHTM nhưng sự điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm như vậy còn khá thấp, chỉ ở mức 0,3-0,5% ở các kỳ hạn ngắn.
Thứ hai là dòng vốn của khối nhà đầu tư nước ngoài đang duy trì đà bán ròng mạnh, nguyên nhân một phần khi các quỹ ĐTNN cơ cấu lại danh mục đầu tư, một phần họ bán ròng khi mức chênh lệch lãi suất trong nước và thế giới còn độ vênh.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ dẫn dắt VN-Index đi lên trong thời gian tới
Chuyên gia giữ nguyên quan điểm rằng thị trường chứng khoán năm 2024 sẽ có 3 nhịp đáng chú ý, một là nhịp tăng điểm trong 3 tháng đầu năm, hai là nhịp chỉnh 10-12% sau khi chạm ngưỡng 1.280. Cuối cùng, nếu FED sớm cắt giảm lãi suất thì TTCK sẽ sớm phục hồi và tiếp tục đi lên với mục tiêu trong năm nay khoảng 1.320-1.350 điểm, trước khi có nhịp chỉnh tiếp theo, nằm trong 1 chu kỳ tăng giá lớn 2023-2026 theo pha cổ phiếu.
“Xét về điểm số, thì VN-Index chịu ảnh hưởng mạnh bởi sự tăng giảm của nhóm ngân hàng, bán lẻ. Với mức giá hiện tại đa số cổ phiếu ngân hàng còn khá rẻ và đã tích lũy nền gần 3 tháng qua. Đây sẽ là động lực chính dẫn dắt đà đi lên của chỉ số VN-Index trong thời gian tới. Với đà bùng nổ của chứng khoán Mỹ, khả năng cao VN-Index sẽ vượt 1.300 trong tuần tới“, vị chuyên gia nhận định.
Theo dự báo của ông Đức, dòng vốn nội sẽ tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu đang bị nhà đầu tư bán mạnh, và đổ dồn vào các cổ phiếu công nghệ ( FPT VGI CMG ) hay các công ty thuộc nhóm ngành chăn nuôi ( DBC, BAF ) , xuất khẩu ( VCS PTB ) vốn được kỳ vọng hưởng lợi từ các yếu tố đầu ra ( như giá lợn hơi tăng, Mỹ có thể ưu đãi thuế cho các DN Việt Nam ).
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia khuyến nghị việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu 50/50, tránh việc vay margin cao. Việc duy trì tỷ trọng phân bổ giữa cổ phiếu và tiền sẽ giúp nhà đầu tư có bộ đệm dự phòng và tận dụng được cơ hội nếu tìm kiếm được những cổ phiếu mới tiềm năng, hoặc không quá rủi ro nếu thị trường không vượt qua được đỉnh cũ.
Nhìn sâu vào phân lớp cổ phiếu, nhiều mã đang được thị trường định giá cao, phản ánh tâm lý hưng phấn của khối ngoại tại nhóm ngành này, nhưng cũng có một số cổ phiếu vẫn giao dịch ở mức giá hợp lý như nhóm Ngân hàng, hoặc Dịch vụ tài chính.
Ngân hàng, dịch vụ tài chính, nhóm BĐS và các công ty xuất khẩu sẽ là nhóm ngành có thể thu hút sự chú ý trong tháng 5 này. Đối với nhóm ngân hàng, tháng 5 sẽ có nhiều ngân hàng chốt cổ tức, hoặc nhóm cổ phiếu BĐS sẽ tận dụng sự sôi động trở lại của thị trường BĐS và luật đất đai mới để tăng điểm và tăng vốn. Đối với nhóm công ty xuất khẩu, khi tỷ giá tăng và kinh tế thế giới dần phục hồi sẽ là lợi thế lớn để cải thiện doanh thu.
An ninh Tiền tệ