Tuần tới có khá nhiều doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt cao, tỷ lệ chi trả cao nhất là 33,5%, thấp nhất là 2%.
Tuần tới có khá nhiều doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt cao, tỷ lệ chi trả cao nhất là 33,5%, thấp nhất là 2%.
Tổng Công ty IDICO – CTCP (mã IDC) thông báo ngày 4/6 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền chi trả cổ tức bằng tiền 5% đợt 3 năm 2023 và tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1/2024 với tỷ lệ 20%. Ngày thanh toán dự kiến là 19/6.
Với gần 330 triệu cổ phiếu đang được lưu hành, ước tính IDC sẽ cần chi khoảng 825 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông cho hai đợt trên. Cơ cấu cổ đông của IDC ghi nhận Công ty Cổ phần Tập đoàn S.S.G nắm hơn 74 triệu cổ phần (tỷ lệ 22,5% vốn) và Sản xuất và Thương mại Bách Việt nắm 39 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 11,9% vốn). Hai tổ chức trên sẽ lần lượt nhận về gần 186 tỷ đồng và hơn 98 tỷ đồng.
CTCP Nam Dược (mã NDC) thông báo chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 06/06/2024.
Với tỷ lệ thực hiện 25% (1 cp được nhận 2,500 đồng) và gần 6 triệu cp đang lưu hành, ước tính NDC cần chi gần 15 tỷ đồng chia cổ tức cho cổ đông. Ngày thanh toán dự kiến 27/06/2024.
Ngày 10/6 tới đây, CTCP Cơ khí Xăng dầu (mã PMS) sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 33,5% (01 cổ phiếu nhận 3.350 đồng). Thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 21/6/2024. Đây là mức cổ tức cao nhất của doanh nghiệp này kể từ khi lên sàn năm 2003.
Với hơn 7,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính PMS sẽ chi hơn 24 tỷ đồng cho đợt cổ tức lần này. Trong đó, Tổng Công ty Xây lắp và Thương mại Petrolimex (trực thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam – Petrolimex) là cổ đông lớn nhất sở hữu 46% cổ phần sẽ thu về hơn 11 tỷ đồng cổ tức.
Những năm gần đây, tình hình kinh doanh của PMS khá ổn định với lợi nhuận sau thuế mỗi năm trên 20 tỷ đồng. Năm 2023 vừa qua, doanh nghiệp này lãi ròng gần 30 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2022 bất chấp doanh thu thuần giảm 9%. Với kết quả đạt được, PMS đã hoàn thành vượt kế hoạch đề ra.
An ninh Tiền tệ