Từng là công ty may mặc lớn nhất Việt Nam những năm 1990, nhưng Legamex lại không thể ở mãi vị trí đỉnh cao trong thời gian dài. Không ít người đã quên sự xuất hiện của thương hiệu này. Gần đây, tại Legamex còn có biến động cổ đông lớn và loạt lãnh đạo đều xin từ nhiệm.
CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex, UPCoM: LGM) tiền thân là Xí nghiệp Giày da và May mặc Xuất khẩu trực thuộc UBND quận 10, TP.HCM, thành lập ngày 15/08/1986. Gắn liền với tên tuổi bà Nguyễn Thị Sơn – “nữ cường nhân” của giới kinh doanh Việt Nam – nhà sáng lập Sơn Kim, Legamex là công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa.
Vào năm 1987, ở độ tuổi trên 30, bà Sơn được Nhà nước giao trọng trách về quản lý Legamex. Tháng 12/1989, bà làm Tổng Giám đốc, Legamex chủ yếu gia công cho Liên Xô, mô hình kinh doanh nhìn chung đơn giản. Thời hoàng kim của thập niên 1990, Công ty may mặc quốc doanh này có 4,000 nhân viên chính thức, 10,000 nhân viên ở các công ty vệ tinh. Thương hiệu Lega-fashion xuất hiện ngày càng nhiều trên thương trường, ký kết xuất khẩu sang Liên Xô, Ba Lan, Tiệp Khắc, Nhật, Pháp… và Legamex trở thành công ty may mặc lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Tại đây, nữ cường nhân là người tiên phong đưa thời trang vào Việt Nam, tổ chức chương trình trình diễn thời trang Việt Nam đầu tiên.
Quá trình chuyển biến của doanh nghiệp từ cấp quận, tháng 08/1991, Công ty trở thành đơn vị trực thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM. 2 năm sau, Nhà nước có chính sách cổ phần hóa và Legamex được chọn làm thí điểm đầu tiên.
Thời điểm đó, bà Nguyễn Thị Sơn là người hăng hái đi đầu với nhận định cổ phần hóa sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời chấp hành và hưởng ứng chính sách đổi mới của Nhà nước.
Sóng gió bất ngờ ập đến vào tháng 06/1994, toàn bộ Ban Giám đốc của Legamex, trong đó có bà Nguyễn Thị Sơn bị khởi tố với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đến gần 1 năm sau, bà Sơn mới thật sự được giải oan, số cổ phần ở Legamex đã bị tịch thu trước đó được trả lại. “Tiến vi quan, thoái vi sư”, sau sự cố, tháng 10/1998, bà rời vai trò doanh nhân, về làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Bẵng một thời gian, tới cuối năm 2005, Legamex mới được phê duyệt phương án cổ phần hóa và chuyển thành CTCP Giày da và May mặc Xuất khẩu (Legamex).
Không những thế, Legamex còn bị nhắc nhở vì chậm lên sàn. Vào cuối tháng 11/2018, Legamex bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt 350 triệu đồng do đã đăng ký là công ty đại chúng từ năm 2007 nhưng vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch, dù UBCKNN đã có công văn yêu cầu Legamex thực hiện nghĩa vụ này vào ngày 07/06/2017.
Đến 18/12/2019, LGM mới chính thức mang 7.4 triệu cp giao dịch lần đầu tiên trên UPCoM với giá tham chiếu 7,400 đồng/cp. Công ty có 2 cổ đông lớn là CTCP Dệt may Gia Định nắm 51%, CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư MB (MB Capital) nắm 9.85%.
Legamex tập trung chủ yếu vào các hoạt động gia công tủ công nghiệp, quần áo các loại, bán sỉ và lẻ tại trung tâm thời trang, khai thác mặt bằng và đầu tư tài chính. Công ty chủ yếu may gia công tủ vải và khách hàng lớn nhất là CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, HOSE: GIL).
Thời điểm năm 2018, Legamex có 7 chuyền may với số lượng nhân viên liên quan đến sản xuất may gia công là 570 người, mức thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 8.6 triệu đồng/tháng. Tại thời điểm 31/12/2022, Công ty có 433 nhân viên đang làm việc, giảm 48 người so với đầu năm và giảm 137 người sau 4 năm; thu nhập bình quân đầu người cũng giảm còn hơn 8.3 triệu đồng/tháng.
Thời điểm mới lên sàn chứng khoán, Legamex quản lý và sử dụng 7 khu đất; trong đó, mặt bằng 15-17-19 Trường Sơn, phường 5, quận 10 được sử dụng làm văn phòng, xưởng sản xuất của Công ty. Ngoài ra, Legemax hợp tác khai thác nhà xưởng, văn phòng tại số 11 Trường Sơn, 467C Cách mạng Tháng 8 và cho thuê nhà xưởng tại khu đất ở Biên Hòa – Đồng Nai.
Không những vậy, khu đất 5,620 m2 tại số 502 (số cũ là 106), đường 3/2, phường 14, quận 10 được Legamex ký Hợp đồng thuê với UBND TP.HCM có thời hạn 50 năm vào ngày 04/08/2010. Đây là khu đất Legamex triển khai dự án trung tâm thương mại – dịch vụ – cao ốc – văn phòng có tên Lega Fashion House.
Khu đất tại địa chỉ số 502, đường 3/2, phường 14, quận 10, TP.HCM – Ảnh: Google Maps
Vào ngày 17/12/2010, Legamex, CTCP Đầu tư Phát triển Gia Định (GDI), CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) và Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) ký hợp đồng hợp tác kinh doanh số 004/2010/HTKD để chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và quản lý khai thác, kinh doanh công trình của dự án Lega Fashion House.
Dự án dự kiến xây dựng trên khu đất 5,620 m2, quy mô 20 tầng nổi và 2 tầng hầm, với tổng diện tích sàn xây dựng hơn 60,000m2. Tổng mức đầu tư lên tới 800 tỷ đồng, kế hoạch khởi công vào quý 3/2011. Trong đó, Ocean Group góp phần vốn lớn nhất: 75%, Legamex và GDI góp 25%. OceanBank cung cấp các dịch vụ ngân hàng, quản lý, hỗ trợ vốn cho toàn bộ dự án.
Tuy nhiên, Lega Fashion House trong nhiều năm chưa thể triển khai đúng tiến độ với lý do thị trường bất động sản gặp khó khăn. Đến cuối năm 2014, Ocean Group – cổ đông lớn nhất của dự án gặp phải biến cố khi ông Hà Văn Thắm (Chủ tịch HĐQT khi đó) bị bắt. Sau đó, OGC đổi chủ, tái cấu trúc, vực dậy bằng cách bán đi các tài sản có quy mô lớn mà Tập đoàn khó có đủ năng lực để triển khai.
Cuối tháng 11/2014, HĐQT OGC thông qua chủ trương chuyển toàn bộ quyền thực hiện dự án Lega Fashion House. Đến ngày 09/06/2015, các bên họp thanh lý hợp đồng. Tháng 11/2017, GDI và OGC xác nhận việc thoái vốn khỏi dự án và trao quyền tìm kiếm, ký hợp đồng với đối tác mới cho Legamex.
Đổi lại, Legamex có nghĩa vụ thanh toán cho OGC và GDI phần vốn đã đóng góp vào dự án Lega Fashion House với số tiền lần lượt gần 39 tỷ đồng và 6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do chưa tìm được đối tác mới để thực hiện dự án, Legamex chưa có tiền để thanh toán khoản nợ hơn 44 tỷ đồng nói trên và chưa ghi nhận khoản dự phòng về nghĩa vụ hoàn trả cho GDI và OGC trên BCTC kiểm toán năm 2022. Đây được xem là khoản nợ tiềm tàng, theo ý kiến của công ty kiểm toán.
Tại cuối năm 2022, Legamex cho biết, Công ty vẫn đang khẩn trương khởi động lại dự án Lega Fashion House, đồng thời liên hệ với các đối tác để sắp xếp nguồn vốn. Theo BCTC kiểm toán năm 2022 của LGM, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án Lega Fashion House chiếm gần 30.5 tỷ đồng, chủ yếu là tiền thuê đất tại đây.
Một số hình ảnh bên ngoài dự án hiện nay và quy mô tổng quan dự án
Theo ghi nhận của người viết vào ngày 22/01, xung quanh khu dự án Lega Fashion House (địa chỉ số 502, đường 3/2, phường 14, quận 10, TP.HCM) được quây tôn kín, cổng vào công trình đóng kín, không có thông tin về dự án, chủ đầu tư hoặc đơn vị phát triển vì bị bỏ hoang nhiều năm.
Từ khi trở thành công ty đại chúng, doanh thu hàng năm của Legamex vẫn duy trì ở mức trăm tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vô cùng khiêm tốn, thậm chí là lỗ.
Sau năm 2018 với khoản lãi sau thuế đột biến hơn 8 tỷ đồng, do ảnh hưởng bởi COVID-19, Legamex bắt đầu chuỗi ngày thua lỗ từ năm 2019 đến 2022, tức 4 năm liên tiếp. Đến 31/12/2022, Công ty lỗ lũy kế hơn 70.5 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Legamex từ năm 2007 – 2022 (Đvt: Tỷ đồng)
Kỳ kinh doanh công bố số liệu gần nhất là năm 2022, Legamex ghi nhận doanh thu gần 129 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 và lỗ sau thuế gần 13 tỷ đồng – cải thiện so với mức lỗ hơn 19 tỷ đồng năm trước.
Legamex cho biết, kể từ cuối tháng 09/2022, việc đứt gãy đơn hàng gia công chủ lực tủ vải cho Gilimex (hệ quả liên đới từ lùm xùm Gilimex khởi kiện gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon), Công ty đã chuyển đổi cơ cấu hoạt động sản xuất sang gia công hàng may mặc thời trang nên gặp nhiều khó khăn, dẫn đến năng suất sản xuất thấp, doanh thu không đủ bù đắp lương và các khoản phúc lợi của sản xuất, lãi gộp ôm.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Legamex đạt hơn 111 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu năm. Lượng tiền mặt giảm mạnh từ 3.7 tỷ đồng còn 166 triệu đồng. Hàng tồn kho gấp đôi, lên gần 11 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty có hơn 11 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, trong đó khoản đầu tư đầu gốc vào Giditex là 9.6 tỷ đồng; còn lại 1.68 tỷ đồng vào CTCP Xuất Nhập khẩu và Đầu tư Việt Nam (Vicosimex).
Legamex cho biết, đang thoái vốn khoản đầu tư tài chính tại Vicosimex để bổ sung nguồn tiền, trợ lực cho hoạt động sản xuất gia công trong quá trình chuyển đổi đa dạng mặt hàng. Trước đó, vào năm 2021, Công ty cũng đã thoái vốn khoản đầu tư tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả tại cuối năm 2022 đã giảm 7% so với đầu năm, xuống 94 tỷ đồng; trong đó phần lớn là nợ ngắn hạn với hơn 74 tỷ đồng. Riêng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm 30%, còn 3 tỷ đồng.
2023 tiếp tục là năm khó khăn của ngành dệt may Việt Nam khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa may mặc suy giảm mạnh trên cả thị trường trong nước lẫn các nước nhập khẩu lớn. Do đó, ban lãnh đạo LGM chỉ có thể cố gắng duy trì đơn hàng may mặc hiện có, giữ chân người lao động và chờ thị trường dệt may hồi phục.
Trên cơ sở đó, Legamex đặt mục tiêu tổng doanh thu 2023 đạt hơn 111 tỷ đồng, giảm 15% so với năm 2022. Công ty dự kiến có lãi trở lại, ước đạt gần 7 triệu đồng trong năm 2023.
Kể từ khi hoạt động theo mô hình CTCP đến nay, vốn điều lệ của Legamex vẫn giữ nguyên 74 tỷ đồng. Đồng thời, 2 cổ đông lớn gồm Giditex và MB Capital duy trì tỷ lệ sở hữu lần lượt 51% và 9.85% suốt nhiều năm qua.
Đến ngày 13/04/2022, MB Capital đã thoái toàn bộ 729,200 cp LGM, tương ứng 9.85% vốn. Cùng ngày, CTCP May da Sài Gòn mua vào đúng 729,200 cp LGM và nâng tỷ lệ sở hữu từ 0% lên 9.85%. Nhiều khả năng đây là vụ “sang tay” giữa MB Capital cho May da Sài Gòn.
Chưa đầy 1 tháng trước thời điểm biến động cổ đông, từ 3 – 17/03/2022, giá cổ phiếu LGM bất ngờ tăng kịch trần tới 11 phiên liên tiếp và lập đỉnh lịch sử 27,700 đồng/cp (phiên 18/03/2022), gấp hơn 4 lần so với đầu tháng 3. Ngay sau khi tạo đỉnh, giá cổ phiếu LGM quay đầu giảm sâu và trở lại giao dịch dưới mệnh giá từ cuối tháng 4/2022, tương ứng bốc hơi hơn 60% sau 1 tháng.
Diễn biến giá cổ phiếu LGM
Đầu tháng 9/2022, Legamex lộ diện cổ đông cá nhân lớn đầu tiên là bà Dư Nguyễn Khánh Linh, sau khi mua vào hơn 1.3 triệu cp LGM trong ngày 8/9 và nâng tỷ lệ sở hữu lên 22.77%. Trước đó, bà Linh không nắm giữ cổ phiếu LGM nào.
Chiều ngược lại, May da Sài Gòn đã bán hết 729,200 cp LGM đang nắm giữ, tương ứng 9.85% vốn trong ngày 9/9/2022. Chỉ sau hơn 5 tháng, tổ chức này rời ghế cổ đông lớn tại Legamex.
Gần 9 tháng sau, cổ đông lớn nhất là Giditex đăng ký bán 50% vốn từ ngày 28/4 – 19/5/2023. Tuy nhiên, kết thúc thời gian giao dịch, tổ chức này không bán được cổ phiếu LGM nào, với lý do không đạt mức giá như phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Phải tới lần giao dịch thứ hai, từ 15 – 20/06/2023, Giditex mới bán thành công gần 1.9 triệu cp LGM như đăng ký, giảm sở hữu từ 51% xuống 25.5%.
Cùng ngày 20/6, Legamex đón thêm 2 cổ đông lớn cá nhân gồm ông Đỗ Văn Huy và ông Nguyễn Hoàng Vi. Theo đó, ông Huy đã mua vào 1.65 triệu cp LGM, nâng tỷ lệ sở hữu từ 0.11% lên 22.41%; còn ông Vi mua 552,500 cp LGM, nâng tỷ lệ sở hữu từ 1.78% lên 9.25%. Theo những gì công bố công khai, 2 cá nhân này không có liên quan tới người nội bộ của LGM.
Chưa dừng lại, cổ đông lớn Giditex quyết tâm thoái hết vốn tại LGM. Từ ngày 25/12/2023 – 2/1/2024, Giditex đã bán toàn bộ gần 1.9 triệu cp LGM (tỷ lệ 25.5%), qua đó không còn là cổ đông tại đây.
Trùng thời điểm Giditex thoái sạch vốn, bà Bùi Thị Thủy Chung đã mua vào gần 1.1 triệu cp LGM trong ngày 2/1/2024, nâng sở hữu từ hơn 246,300 cp (tỷ lệ 3.3%) lên hơn 1.3 triệu cp (tỷ lệ 18.08%) và trở thành cổ đông lớn tại LGM.
Ngay sau sự kiện cổ đông lớn Giditex thoái vốn, vào ngày 5/1/2024, loạt lãnh đạo cấp cao của Legamex đã nộp đơn xin từ nhiệm, gồm ông Lê Xuân Khanh – Chủ tịch HĐQT; bà Nguyễn Thị Diễm My – Thành viên HĐQT; ông Phạm Ngọc Hiếu – Trưởng Ban Kiểm soát; ông Lâm Thanh Xuân – Thành viên Ban Kiểm soát và bà Tạ Thị Hồng Thắm – Thành viên Ban Kiểm soát.
Trước đó, bà Dư Nguyễn Khánh Linh – Thành viên HĐQT Legamex cũng đã nộp đơn xin từ nhiệm vào ngày 13/7/2023. Như vậy, toàn bộ thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát của Legamex nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã nộp đơn từ nhiệm.
Đáng chú ý, 5 cá nhân nộp đơn từ nhiệm ngày 5/1 đều là người có liên quan Giditex. Trong đó, ông Lê Xuân Khanh là Chánh Văn phòng HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Giditex; bà Nguyễn Thị Diễm My là Kế toán trưởng; ông Phạm Ngọc Hiếu là Trưởng ban kiểm soát; ông Lâm Thanh Xuân là Chuyên viên kế toán tổng hợp và bà Tạ Thị Hồng Thắm là Kiểm soát viên.
Ngoài ra, ông Lê Hồng Chiến – Tổng Giám đốc Giditex cũng đang là Tổng Giám đốc Legamex.
Trước tình hình trên, HĐQT Legamex thông báo triệu tập họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 để miễn nhiệm các thành viên HĐQT và Kiểm soát viên theo đơn miễn nhiệm và bầu bổ sung HĐQT, Ban Kiểm soát mới. Ngày họp dự kiến vào 27/2/2024.
Thế Mạnh
FILI