Cơ hội đầu tư – TCB: ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch chia cổ tức “khủng”, tăng vốn điều lệ gấp đôi, bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới

Cơ hội đầu tư – TCB: ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch chia cổ tức “khủng”, tăng vốn điều lệ gấp đôi, bầu HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới

Sáng nay (20/4), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank – TCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 với nhiều nội dung quan trọng.

Theo báo cáo của Ban thẩm tra tư cách cổ đông, tại thời điểm 9h sáng ngày 20/4, có 264 cổ đông và đại diện cổ đông tham dự, đại diện cho hơn 77,7% số cổ phần có quyền biểu quyết. Như vậy đại hội đủ túc số để tiến hành.

ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch chia cổ tức

Cổ đông làm thủ tục tham dự đại hội

Ông Jens Lottner – CEO Techcombank: Người Việt Nam đang ngày càng giàu hơn, chúng tôi sẽ đón đầu mảng quản lý gia sản

Là người mở đầu báo cáo tới cổ đông tình hình kinh doanh năm 2023 và kế hoạch 2024, ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, năm 2023 là một năm không dễ dàng với Techcombank. Ông nói:

“Năm trước tại đại hội, tôi cũng chia sẻ năm 2023 là năm thách thức với ngành ngân hàng nói chung, khởi đầu năm với những thách thức, nhưng kết thúc năm hiệu quả tốt hơn.

Techcombank vẫn duy trì trạng thái tốt, có thể kể đến những yếu tố mạnh nhất là CASA, Thu nhập phí thuần, các chỉ số khác ROA, ROE duy trì lành mạnh. Techcombank không chỉ có thu nhập từ lãi mà còn thu nhập từ phí. Nhiều nhà phân tích cũng duy trì quan điểm khả quan về Techcombank.

Techcombank là ngân hàng dẫn đầu về cho vay bất động sản, trái phiếu và những mảng này đều hồi phục trong năm qua. Riêng lĩnh vực bảo hiểm còn chịu áp lực nhưng không có nhiều lo ngại. Thực tế, nửa sau năm 2023, doanh số bán bảo hiểm của Techcombank cũng đã tăng đáng kể so với đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng của Techcombank cũng cao hơn nhiều so với các ngân hàng đối thủ. NIM cũng dẫn đầu toàn ngành. Chi phí vốn tăng nhẹ nhưng thấp hơn nhiều so với đa số ngân hàng Việt Nam.

ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch chia cổ tức

Ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank báo cáo KQ hoạt động năm 2023 và kế hoạch 2024

Tại Đại hội năm ngoái cổ đông đã đặt câu hỏi liệu CASA có quay trở lại không. Và năm 2023, tiền gửi không kỳ hạn của Techcombank đã tăng hơn 30%, đặc biệt nửa sau năm 2023 và hiện nay tỷ lệ CASA gần 40% – là một trong những ngân hàng dẫn đầu. CASA dồi dào cho phép Techcombank huy động vốn với mức phí ưu đãi, tạo điều kiện cho vay thuận lợi.

Nợ xấu của Techcombank chỉ 1,2%, chi phí tín dụng là 0,8%, tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu luôn trên 100%. Techcombank có danh mục cho vay BĐS khá nhiều, nhưng có lựa chọn đúng đắn về khách hàng, phân khúc nào, cho vay bao nhiêu, từ đó giúp chúng tôi quản trị hiệu quả. Các chỉ số an toàn hoạt động đều đảm bảo như CAR, LDR, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn,…đều đáp ứng tốt yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Techcombank vẫn theo đuổi những chiến lược đã đặt ra. 4 trụ cột chính trong chiến lược của Techcombank là CASA 55%, vốn hoá 20 tỷ USD, thu nhập phí chiếm 30% tổng thu nhập, ROE 20%.

ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch chia cổ tức

Chúng tôi tin rằng tốc độ tăng trưởng GDP 6% thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được. Việt Nam có dân số trẻ, sử dụng nhiều công nghệ và ngày càng giàu lên. Khi quốc gia giàu có hơn thì họ sẽ sử dụng ngân hàng nhiều hơn. Chúng ta dễ dàng thấy được sự thay đổi ở những thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Đến năm 2030, mức sống của người dân Việt Nam sẽ còn cao hơn Malaysia, Indonesia,…và họ cần đến dịch vụ quản lý gia sản tốt hơn. Đó là lý do Techcombank đón đầu phân khúc giàu có, sẽ đẩy mạnh mảng quản lý gia sản cùng với TCBS.

Tiếp sau phần báo cáo của ông Jens Lottner, ông Nguyễn Xuân Minh, chủ tịch HĐTV Công ty chứng khoán Kỹ thương (TCBS) báo cáo thêm với cổ đông về hoạt động của TCBS và mảng quản lý gia sản. 

Ông Minh cho biết, TCBS đặt mục tiêu năm 2025: 5 triệu khách hàng, lợi nhuận 5.000 tỷ đồng, 5 tỷ USD vốn hoá.

Ông nói: Như phân tích của ông Jens Lottner, người Việt Nam càng ngày càng giàu hơn thì xu hướng tất yếu là họ đa dạng hoá gia sản, đầu tư, tích luỹ, không chỉ vàng, bất động sản, tiết kiệm mà còn quỹ đầu tư, trái phiếu, cổ phiếu và nhiều tài sản khác. Chúng tôi bắt đầu tập trung nhóm trung lưu, giàu có, chỉ đại diện 20% dân số nhưng đại diện cho 80% giàu có tại Việt Nam. Sau đó chúng tôi sẽ mở rộng ra phân khúc rộng hơn. TCBS đang sẵn sàng đón đầu cơ hội trong sự tăng trưởng của Việt Nam nhiều năm tới.

ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch chia cổ tức

Ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank: Năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức, Techcombank đưa ra kế hoạch thận trọng

Tổng giám đốc Jens Lottner cho biết, với nền tảng của năm 2023 và những dự đoán về năm 2024, Ban điều hành Techcombank đề xuất mức lợi nhuận năm 2024 là 27.100 tỷ đồng và tự tin mục tiêu này có thể đạt được. Tỷ lệ nợ xấu sẽ kiểm soát dưới 1,5%, hiện nay tỷ lệ này là 1,2% và Techcombank cũng hoàn toàn tự tin đạt được mục tiêu, cũng là mức rất lành mạnh so với các đối thủ.

Nói với các cổ đông tại đại hội, ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank cho biết, năm 2022-2023 là 2 năm khó khăn với cả thế giới và Việt Nam. Techcombank cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực mà TCB rất mạnh, như về lĩnh vực kinh tế thì BĐS, đầu tư tài chính. Nhưng TCB cũng đã chứng minh năng lực quản trị rủi ro của mình. Trong thị trường trái phiếu, TCB không để bất kỳ trái phiếu nào bị quá hạn lãi, gốc, đảm bảo an toàn cho khách hàng. Song song, việc đầu tư vào công nghệ, data giúp TCB ngày càng giảm chi phí vận hành, tạo điều kiện cho TCB phát triển mạnh các phân khúc trước đây chưa phải thế mạnh như SME, khách hàng phân khúc mass, cho vay tín chấp, cho vay tiêu dùng. Với sự hỗ trợ công nghệ, TCB sẽ phát triển rất nhanh đồng thời quản trị rủi ro, chi phí.

Năm 2023, chúng tôi đã đạt kế hoạch. Năm 2024 vẫn còn thách thức, TCB đưa ra kế hoạch thận trọng. Việc củng cổ, phát huy thế mạnh, ứng dụng công nghệ data sẽ giúp chúng tôi đi vào các phân khúc khác, lĩnh vực kinh tế khác hiệu quả, kiểm soát tốt rủi ro.

ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch chia cổ tức

Ông Hồ Hùng Anh, chủ tịch Techcombank

Theo tài liệu trình đại hội, Techcombank lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16,2% (trong hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp phép); tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế; Lợi nhuận năm 2024 dự kiến tăng trưởng 18,4% lên 27.100 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất Techcombank đạt gần 22.900 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra tại ĐHĐCĐ (22.000 tỷ đồng). Tín dụng tăng 19,2% lên 530.148 tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Thông tư 41 được duy trì cao ở mức 14,4%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu 8%.

Chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15%

Chia sẻ tại Đại hội, ông Hồ Hung Anh nói về việc chia cổ tức tiền mặt sau nhiều năm giữ lại vốn để hoạt động.

Theo đó, với lợi nhuận để lại của năm 2023, sau trích lập các quỹ, Techcombank vẫn còn nguồn tiền lớn để có thể chia cổ tức cho cổ đông. Vì vậy, Hội đồng quản trị (HĐQT) trình cổ đông phương án chia cổ tức tiền mặt năm 2023 là 15%/cổ phiếu (01 cổ phiếu nhận 1.500 đồng), tính trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm chốt danh sách hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Với tỷ lệ cổ tức 15%, dự tính Techcombank sẽ chi khoảng gần 5.284 tỷ đồng. Nguồn để chia là lợi nhuận chưa phân phối của Ngân hàng sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm ngày 31/12/2023 theo Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank.

Tăng vốn điều lệ gấp đôi lên 70.500 tỷ đồng

HĐQT Techcombank cũng trình phương án tăng vốn điều lệ từ hơn 35.225 tỷ đồng lên trên 70.450 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu. Nguồn vốn chủ sở hữu dự kiến được sử dụng để tăng vốn điều lệ bao gồm: lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên Báo cáo tài chính kiểm toán riêng và Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 đã được kiểm toán của Techcombank. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 100% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được hưởng quyền sẽ được nhận thêm 100 cổ phiếu mới).

Bầu HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới

Tại đại hội lần này, cổ đông Techcombank sẽ bầu ra các thành viên Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024-2029.

Hỏi đáp cổ đông

Cổ đông hỏi: Các ngân hàng khác tăng trưởng khách hàng 6-7 triệu khách hàng một năm còn Techcombank thì tăng 2,6 triệu khách hàng. Ông đánh giá thế nào về lợi thế cạnh tranh?

Ông Jens Lottner: Chúng tôi không quan tâm nhiều đến số lượng khách hàng mà tỷ lệ khách hàng active , sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Chúng tôi phải đảm bảo hệ thống phục vụ khách hàng có lợi nhuận nhất. Hiện nay lợi nhuận của Techcombank đến từ số ít khách hàng chứ không phải đông đảo khách hàng. Quý vị có thể thấy nhận diện của Techcombank rất tốt, đó là do chất lượng của chúng tôi tốt và được đánh giá cao, dù quy mô khách hàng có thể không bằng.

ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch chia cổ tức

              Ông Jens Lottner

Cổ đông hỏi: Các ngân hàng thường chia cổ tức bằng cổ phiếu nhiều lần hàng năm để giá cổ phiếu không bị pha loãng quá mạnh. Còn Techconbank chia luôn 1 lần với tỷ lệ rất cao 100%, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu như thế nào?

Ông Jens Lottner: Thực tế thưởng cổ phiếu cho cổ đông không ảnh hưởng tới vốn chủ sở hữu, chỉ là chuyển dịch từ phần này sang phần kia, không ảnh hưởng gì. Có thể ảnh hưởng giá cổ phiếu bị pha loãng, giảm đôi chút nhưng đây cũng có thể là cơ hội cho nhà đầu tư khác mua vào TCB với giá phù hợp. Nếu là ngân hàng tốt thì giá cổ phiếu sẽ tăng trưởng trở lại.

Cổ đông hỏi: TCB gần đây phát triển mảng SME, tín dụng cá nhân. Trong thời gian tới tín dụng tiêu dùng, TCB có muốn mua lại hay thành lập công ty tài chính tiêu dùng hay không?

Ông Jens Lottner: Chúng tôi có cân nhắc, phân tích Home Credit, FE Credit nhưng đây không phải là mô hình quản trị rủi ro chúng tôi theo đuổi.

Cổ đông hỏiVốn hoá của TCBS mục tiêu là 5 tỷ USD, dựa vào đâu để đánh giá trong khi Techcombank cũng có vốn hoá mới chỉ 6-7 tỷ USD?

Ông Hồ Hùng Anh: Techcombank đặt mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD, TCBS mong muốn 5 tỷ USD. Số đó thực tế không? Tôi nghĩ thực tế, dựa trên khả năng phát triển và định giá của thị trường. Năm 2018 giá trị của Techcombank trước khi IPO chỉ có 500 triệu USD nhưng khi IPO xong lên 5 tỷ đô.

Cổ đông hỏi: Một số NH cùng quy mô công bố nhận ngân hàng yếu kém và họ có cơ hội được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Techcombank có kế hoạch hay không? Các đối thủ như vậy thì mình có kế hoạch thế nào để không bị bỏ lại?

Ông Jens Lottner: Mỗi ngân hàng sẽ có quyết định riêng. Ban lãnh đạo sẽ phải thảo luận kỹ vì chi phí để hỗ trợ ngân hàng, tái cơ cấu khoản vay doanh nghiệp. Tôi không nghĩ TCB bị tụt hậu nếu không nhận hỗ trợ ngân hàng yếu kém. Vì ROA, ROE của Techcombank đều hoàn ở mức tốt so với toàn ngành.

ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch chia cổ tức

Ông Hồ Hùng Anh

Đại hội bước vào bỏ phiếu bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2024-2029

Theo cập nhật của Ban thẩm tra tư cách cổ đông, tại thời điểm bỏ phiếu có 359 cổ đông tham dự, chiếm 78,1366% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Hằng Kim – Minh Vy

An ninh Tiền tệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *