Việc tháo gỡ nút thắt quan trọng được kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc tác để đảo chiều dòng vốn ngoại trên TTCK Việt Nam.
Bước qua tháng mới, tin tức được nhiều nhà đầu tư chứng khoán quan tâm là Thông tư 68/2024/TT-BTC chính thức được áp dụng từ ngày 2/11/2024 . Thông tư mới có nội dung đáng chú ý liên quan đến việc nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền và lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh.
Cụ thể, Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Nội dung đáng chú ý nhất là quy định nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non Pre-funding solution – NPS). Thông tư mới quy định, nhà đầu tư phải có đủ tiền khi đặt lệnh mua chứng khoán, ngoại trừ 02 trường hợp: (1) nhà đầu tư giao dịch ký quỹ theo quy định tại Điều 9 Thông tư này; (2) Tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi NĐTTCNN) mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh theo quy định tại Điều 9a Thông tư này.
Thông tư 68/2024/TT-BTC đã bổ sung Điều 9a về “Giao dịch mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh của NĐTNN là tổ chức”.
Bên cạnh đó, lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh cũng được quy định đầy đủ. Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi Điều 5 Thông tư số 96/2020/TT-BTC về ngôn ngữ công bố thông tin trên TTCK như sau: Ngôn ngữ công bố thông tin trên thị trường chứng khoán là tiếng Việt. Tổ chức niêm yết, CTĐC, Sở giao dịch chứng khoán, VSDC thực hiện công bố thông tin đồng thời bằng tiếng Anh theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều này. Thông tin công bố bằng tiếng Anh phải bảo đảm thống nhất với nội dung thông tin công bố bằng tiếng Việt. Trường hợp có sự khác biệt hoặc có cách hiểu khác giữa thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh thì thông tin bằng tiếng Việt được áp dụng.
Thông tư 68/2024/TT-BTC cũng quy định về lộ trình công bố thông tin bằng tiếng Anh của CTĐC như sau:
i. Tổ chức niêm yết, CTĐC quy mô lớn công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2025;
ii. Tổ chức niêm yết, CTĐC quy mô lớn công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu và công bố thông tin về các hoạt động khác của CTĐC đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026;
iii. CTĐC không thuộc đối tượng quy định tại điểm a, b khoản này công bố thông tin định kỳ đồng thời bằng tiếng Anh kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2027;
Chứng khoán Việt Nam tiến thêm một bước quan trọng trong quá trình nâng hạng
Mới nhất, trong báo cáo xếp hạng thị trường tháng 10/2024 của FTSE Russell, mặc dù Việt Nam tiếp tục nằm trong danh sách theo dõi để nâng hạng lên thị trường mới nổi hạng 2 (Secondary Emerging Market), song FTSE đánh giá cao các nỗ lực của Việt nam để đáp ứng các tiêu chí cho việc nâng hạng. FTSE cũng cho biết thêm rằng để đạt được mục tiêu trở thành thị trường mới nổi vào năm 2025, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách và hoàn thiện thị trường chứng khoán. Các cơ quan quản lý cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để đảm bảo rằng các quy định của Việt Nam phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Trong báo cáo mới cập nhật, Maybank Investment Bank đánh giá tích cực về việc sửa đổi các quy định liên quan đến yêu cầu pre-funding, xử lý giao dịch không thành công và tỷ lệ an toàn vốn của các công ty chứng khoán.
Maybank Investment Bank kỳ vọng FTSE sẽ chính thức nâng hạng thị trường Việt Nam lên trạng thái mới nổi trong kỳ đánh giá tháng 3/2025 (kịch bản tích cực) hoặc tháng 9/2025 (kịch bản trung tính). Trong năm 2025-2026, tích hợp cổ phiếu Việt Nam vào các chỉ số thị trường mới nổi (EM) của FTSE.
Đồng quan điểm, Chứng khoán ACBS kỳ vọng FTSE sẽ thêm Việt Nam vào danh sách Thị trường mới nổi Thứ cấp sớm nhất vào kỳ đánh giá tháng 3/2025. Việc nâng hạng lên Thị trường mới nổi sẽ là cột mốc đáng kể để TTCK Việt Nam được công nhận là thị trường có khả năng tiếp cận đầu tư đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
“ Dự kiến, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7-0,9% danh mục Thị trường mới nổi Thứ Cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 500-600 triệu USD từ các quỹ mô phỏng chỉ số, chưa kể dòng vốn từ các quỹ chủ động ”, nhóm phân tích ACBS nêu rõ.
Mặt khác, việc tháo gỡ nút thắt quan trọng trong quá trình nâng hạng được kỳ vọng sẽ trở thành chất xúc tác để đảo chiều dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính trong 10 tháng đầu năm 2024, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng triền miên với tổng giá trị lên tới 76.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD) chỉ tính riêng trên HoSE.
Nhịp Sống Thị Trường